Dịch vụ kiểm toán năng lượng

1. Kiểm toán năng lượng là gì?

Theo điều 3 - Luật số: 50/2010/QH12 do Quốc Hội ban hành về: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Năng lượng: bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo.

Kiểm toán năng lượng: là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng.

Hình ảnh đo kiểm công suất, hệ số công suất,... và nhiệt độ tại tủ phân phối

2. Mục tiêu của kiểm toán năng lượng

Mục tiêu kiểm toán năng lượng nhằm đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng, sau đó xác định các giải pháp giảm suất tiêu thụ năng lượng, giảm các chi phí vận hành. Với mục đích tiết kiệm năng lượng đem lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia thì việc kiểm toán năng lượng trong doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.

3. Quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 21/2011/NĐ-CP thì nội dung kiểm toán năng lượng bao gồm:

- Khảo sát, đo lượng, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của cơ sở.

- Phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng.

- Đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng.

- Đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Phân tích hiệu quả đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất.

Trình tự triển khai kiểm toán năng lượng:

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 25/2020/TT-BCT quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng thì quy trình thực hiện kiểm toán như sau:

1) Cơ sở có trách nhiệm 3 năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc. Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và nội dung Báo cáo kiểm toán năng lượng của cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2) Kết quả kiểm toán năng lượng là báo cáo kiểm toán năng lượng, bao gồm số liệu khảo sát, đo lường, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của cơ sở, phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phân tích hiệu quả đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất để cơ sở lựa chọn triển khai áp dụng.

3) Trong thời hạn 30 ngày sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng, cơ sở có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán năng lượng bằng văn bản đến Sở Công Thương sở tại.

4) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được báo cáo kiểm toán năng lượng, Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp nhận, thông qua hoặc có ý kiến góp ý, yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung theo nội dung quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này. Cơ sở có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo kiểm toán năng lượng và gửi lại băng văn bản cho Sở Công Thương trong thời hạn 60 ngày sau khi nhận được ý kiến góp ý, yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung của Sở Công Thương.

5) Đối với các cơ sở mới có tên trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian một năm kể từ ngày ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở có trách nhiệm hoàn thành lập báo cáo kiểm toán năng lượng và gửi về Sở Công Thương.

4. Lợi ích kiểm toán năng lượng

- Kiểm toán năng lượng giúp giảm tiêu thụ năng lượng tại các hệ thống sản xuất và sinh hoạt.

- Duy trì và cải thiện công suất dây chuyền, năng suất lao động.

- Tạo môi trường sống, làm việc thoải mái, an toàn cho người lao động.

5. Thành phần nội dung báo cáo kiểm toán năng lượng

Chương 1. Tóm tắt

- Tóm tắt các phát hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

- Đề xuất lựa chọn các giải pháp ưu tiên đầu tư

Chương 2. Giới thiệu

- Giới thiệu tóm tắt về cơ sở được kiểm toán

- Tổ chức lực lượng kiểm toán

- Tổng quan và phạm vi công việc

- Nội dung của báo cáo kiểm toán năng lượng

Chương 3. Các hoạt động của công ty

- Lịch sử phát triển và hiện trạng

- Cơ cấu hoạt động và sản xuất

Chương 4. Mô tả các quá trình trong dây chuyền công nghệ

- Các dây chuyền sản xuất.

- Các tiềm năng tiết kiệm năng lượng.

Chương 5. Nhu cầu và khả năng cung cấp năng lượng

- Nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nước.

- Thông số và đặc tính nhiên liệu, năng lượng sử dụng.

- Suất tiêu hao năng lượng.

Chương 6. Ràng buộc về tài chính - kỹ thuật

- Các vấn đề về kỹ thuật - công nghệ, môi trường.

- Các giải pháp và đánh giá về kinh tế.

Chương 7. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng

- Xác định và trình bày chi tiết các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Các giải pháp kỹ thuật được lựa chọn.

- Phân tích về tài chính, năng lượng và môi trường

Kết luận và khuyến nghị

Phụ lục


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật số 50/2010/QH12 của Quốc hội

2. Nghị định 21/2011/NĐ-CP

3. Thông tư 25/2020/TT-BCT